-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Một số thuật ngữ sách ngoại văn bạn nên biết
15/02/2020
1. Movie tie-in edition
Movie tie-in là thuật ngữ dùng để chỉ một cuốn sách mà thiết kế bìa được lấy từ cảnh phim hay TV series tương ứng với cuốn sách đó, chủ yếu là hình các diễn viên nhân vật chính. Đây được coi là một cách quảng bá cho cả phim và sách, đôi bên cùng có lợi, không kể phim được làm trước hay sách được xuất bản trước. Một số bản movie tie-in có thêm bài phỏng vấn diễn viên hoặc vài cảnh cắt từ trong phim. Chả nói đâu xa như Brokeback Mountain ban đầu chỉ là một short story trong một tuyển tập truyện ngắn của bà Annie Proulx. Sau khi phim được công chiếu và dành 3 cái tượng vàng Oscars, ngay lập tức cùng năm đó, người ta tách hẳn nó ra, gắn thêm cái bìa có 2 đồng chí Ennis và Jack mỗi người trầm ngâm một hướng bán với giá $9.95 cho 64 trang sách.
2. Pre-order (hay phát kiến vĩ đại ngành bán lẻ)
Pre-order có nghĩa là đặt sách trước ngày được phát hành chính thức. Đối với tác giả, NXB, nhà phân phối sách thì pre-order rất quan trọng vì lượng pre-order giúp nhà in biết được độ "hot" để dự đoán chính xác hơn lượng sách cần in cho first print run (lượt in đầu tiên), giúp các nhà phân phối quyết định sẽ nhập bao nhiêu sách, tránh trường hợp hết hàng/thừa hàng. Hơn nữa, lượng pre-order sẽ được tính vào first week sales (lượng bán tuần đầu) trong các bảng xếp hạng bestseller. Còn đối với người đọc, bạn sẽ không cần vất vả nhớ ngày sách xuất bản rồi canh chừng trên Amazon hay xếp hàng ngoài tiệm. Pre-order có thể giúp bạn đảm bảo một slot tránh trường hợp hết hàng hoặc tệ hơn nữa là tiêu hết tiền :)
3. "Scratch and Dent"
Nếu lang thang trên các trang bán sách online các bạn có thể sẽ bắt gặp những cuốn sách mới được bán với giá siêu rẻ (giảm 70-90% so với giá bìa), chúng được phân loại với thuật ngữ Scratch & Dent. Một lượng lớn sách Like New từ Xép là hàng S&D. Nghe tên đã đoán ra được rồi đúng không? Đây là sách hoàn toàn chưa qua sử dụng, nhưng lại có bị hư hại nhẹ do quá trình vận chuyển, bìa dust jacket bị nhăn nheo hoặc rách, xếp trên giá gập mép, gáy dập 1 chút, lưu trữ quá lâu nên giấy bị ố v..v.. Khi sách đã bị scratched and dented thì giá trị sẽ giảm đi rất nhiều, các nhà sách không thể bán với giá new được nữa và trả lại cho NXB dưới dạng overstock.
Các NXB sẽ đánh dấu bằng một chấm nhỏ hoặc một vệt dài với bút lông để phân biệt với sách overstock này với hàng mới tinh. Nhưng các bạn yên tâm vết bút lông không ăn vào trang giấy, và nếu đặt thẳng trên giá sách thì có thể giấu nhẹm đi ^^ Đối với những mọt sách kinh tế hạn hẹp như mình, ngoài việc mình không ngại một chút sứt sẹo của cuốn sách để mua với giá rẻ mà một lý do khá “nhân văn” nữa là tác giả vẫn sẽ nhận được tiền nhuận bút (royalties) từ lợi nhuận bán S&D. Thậm chí nếu bạn mua một cuốn ebook cho kindle $0.99 thì tác giả cũng nhận được vài cent, còn nếu mua sách cũ hoàn toàn thì tác giả sẽ không nhận được một đồng nào cả.
Nguồn ảnh: bigcitybookworm.wordpress.
4. Author's preferred text
Editing chắc chắn là một công đoạn rất quan trọng trong phát hành sách. Sau khi editor chỉnh sửa và thông qua tác giả thì mới được in. Trong quá trình đó tất nhiên là editor sẽ góp ý thêm chỗ này, cắt chỗ kia. Có những khi sách đã bán chán chê rồi, tác giả lại đổi gió muốn in cái bản nháp trước khi qua chỉnh sửa, thì bản đó sẽ được cộp mác "author’s preferred text"
Nổi tiếng vì tiền lệ phát hành author’s preferred text thì chắc là Neil Gaiman đặc biệt là mấy cuốn kỉ niệm 10 năm. Ví dụ như Neverwhere bản 10 năm có thêm 12000 chữ so với bản thường, một vài trong số đó nghe nói là do bất đồng ý kiến với editor lúc biên tập bản US nên bị cắt béng đi.
Vì cái preferred text này không ảnh hưởng gì đến cốt truyện nên đa số bạn đọc chẳng ai quan tâm. Nhưng cũng có fan bị cuồng những bản như thế này vì đơn giản là họ không thể hiểu nổi tại sao lại cần một editor quyết định đứa con tinh thần của người viết phải được viết như thế nào? Đơn giản là họ muốn đọc một tác phẩm nguyên thủy của tác giả, không bị ai nhúng tay vào cả.
5. Facsimile edition
Năm 1940 lần đầu xuất bản ở US thì giá bìa And Then There Were None có $2 thôi còn bây giờ nếu muốn mua first US edition dù nát lắm rồi thì cũng phải chi tầm $500-600 lận. Để thỏa mãn những con nghiện có thú vui sưu tập sách cổ nhưng nghèo rớt không bao giờ có thể rờ được vào đúng bản original first edition thì các NXB mới nghĩ ra ra facsimile edition này (nguồn gốc từ tiếng latin "fac" (to make) và "simile" (alike)). Facsimile edition là bản tái tạo lại first edition giữ đúng thiết kế bìa, font chữ, sắp chữ, format... Lật từng trang bản replica này sẽ có cảm giác hoài cổ y như đang ngồi giữa New York những năm 40s vậy đó. Ảnh trong hình là facsimile edition của 2 trong số rất nhiều tựa của Agatha Christie. Hai cuốn đều có 1 lớp obi/belly band và 1 lớp dust jacket. Nguồn ảnh (https://www.instagram.com/ravendellreads/)
6. Deckle edge
Bán sách sáu năm, một trong những điều làm mình nhức đầu nhất là khi phải giải thích với khách về deckle edge.
Đây là thuật ngữ chỉ việc cắt giấy nhìn so le như trong hình. Mình thì là fan của deckle edge vì trước nay mê những cái gì có chút không khí lịch sử. Hồi thế kỉ 18 giấy còn được làm thô sơ, bột giấy ướt được múc đổ vào một cái khuôn gỗ gọi là deckle đặt trên rây (giống như khuôn gói bánh chưng ấy). Khi nhấc khuôn lên thì bột sẽ trải đều trên mặt rây thành một sheet giấy nên sau khi ép khô lại rìa giấy không thể tránh khỏi bị lởm chởm, nếu cắt thủ công từng tờ một thì lại tốn kém nên giấy thời kì đó đều so le như thế. Đến khi thế kỉ 19 máy làm giấy công nghiệp được phát minh ra, làm cho việc in ấn rẻ hơn và giấy được cắt bằng máy mượt mà hơn thì deckle edge không phổ biến nữa. Nhưng nó lại trở thành status symbol của sự hoài cổ và thủ công tinh tế, các NXB chủ đích in deckle edge để ẩn ý là bản này sang hơn, giấy bên trong chất lượng cao và mắc tiền hơn đó. Bên US nhiều bạn đọc bây giờ cũng không biết về kiểu cắt giấy này nên hay tưởng sách bị lỗi. Chắc Amazon ngày ấy cũng đau đầu như mình bây giờ nên dành hẳn một dòng chú thích ngay cạnh tựa sách ghi rõ là deckle edge cho mọi người nhận hàng khỏi hoang mang luôn. Nếu muốn xem giấy ngày xưa được làm như thế nào thì có thể coi thêm ở đây nha https://www.youtube.com/
7. Ex-library book
Là sách từng thuộc về các thư viện nhưng bị thải ra vì nhiều lý do. Có thể do bản e-book của sách đã có mặt trên internet, có edition mới được phát hành, sách không còn phù hợp với mục đích của thư viện, nhưng chủ yếu nhất là thiếu không gian lưu trữ. Nhiều nhân viên các thư viện công lớn hàng ngày chỉ làm mỗi một công việc gọi là "weeding": ngồi rà soát lại kho và quyết định xem những cuốn nào sẽ bị loại đi để nhường chỗ cho tài liệu mới. Sau khi bị thải ra, sách sẽ đến tay các nhà bán lẻ sách cũ và được bán lại trên thị trường. Đặc điểm nhận dạng dễ thấy nhất đó là có con dấu hoặc barcode của thư viện ở bìa/rìa sách và dấu discarded/withdrawn cho thấy đây là sách đã bị thải ra (ảnh trên). Thỉnh thoảng mình còn thấy túi giấy nho nhỏ để đựng bill mượn sách hoặc thẻ thư viện (ảnh dưới), nhưng giờ không phổ biến nữa.
(Nguồn ảnh: My Wings Book, Abebooks)
Hiện giờ vẫn có khá nhiều tranh cãi về việc sách ex-library có nên được xếp vào tình trạng very good hay không. Vì về mặt hình thức thì các dấu stamp, sticker của thư viện và túi giấy rất khó bóc ra mà không để lại một lớp keo nham nhở. Mình thì personally đánh giá sách thư viện cũ rất cao, do quy định khi mượn sách ở các thư viện không cho phép viết/vẽ vào sách nên chất lượng bên trong rất ổn. Các thư viện đối với mình như kiểu thánh đường vậy. Nên nghĩ đến việc một cuốn sách từng nằm trên kệ của một thánh đường nào đó theo năm tháng lại khiến mình cảm giác như có một sự kết nối mong manh với cái chốn xa xôi chưa từng đặt chân tới đấy.
3 Bình luận
3 bình luận
Hang Nguyen
21/07/2020Cảm ơn Xép vì bài viết rất nhiềuuu
Vy Nguyễn
16/03/2020bài viết rất hay ạ ^^ em rất cảm ơn anh/ chị đã viết bài blog này. Em chỉ mới bắt đầu đọc sách ngoại văn và các thuật ngữ trên đã giúp em rất nhiều ạ . chúc anh/ chị ngày mới tốt lành!
Hạ Nhiên Trả lời
08/08/2022Bài viết thật sự rất hay và tâm huyết. Mình cảm ơn bạn writer của bài viết này rất nhiều.